Công nghệ đang phát triển rất nhanh, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải chuyển đổi số, tái cấu trúc hoạt động để thích ứng với xu hướng khách hàng số.
Ông Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp (iEIT) thuộc Trường Đại học Ngoại thương nhận định, đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 đã phân hóa cộng đồng DN thành 4 nhóm, bao gồm nhóm chờ phá sản do không còn khả năng hoạt động; nhóm nằm im do vẫn còn vốn có thể hoạt động nhưng đợi thời cơ; nhóm duy trì được hoạt động do có sức chống chịu, có tiềm năng để tăng trưởng; nhóm tiếp tục tăng trưởng và bứt phá trong đại dịch.
Trong 4 nhóm DN nêu trên thì nhóm thứ tư là các DN có nguồn lực vững (vốn, nhân lực), có chiến lược quản trị rủi ro tốt, có khả năng thích ứng với tác động của khủng hoảng. Đặc biệt, khi thị trường bị chia cắt mạnh do tác động của đại dịch Covid-19, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi nhanh theo xu hướng sử dụng thương mại điện tử, DN nhóm này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, điều hành và quản trị (làm việc từ xa, họp trực tuyến, bán hàng online) và khá thành công, góp phần duy trì được sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng cả trong bối cảnh khó khăn.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Sáng tạo Chuyển đổi số cho biết, trước đây DN chỉ có thể phân chia thị trường thành vài phân khúc khách hàng, thì nay nhờ Big Data có thể phân chia thị trường ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phân khúc để tiếp cận và khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, muốn có được điều này, DN cần phải có mô hình, công cụ kinh doanh mới để thích ứng, DN nào chậm ứng dụng công nghệ, chậm chuyển đổi số chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau.
Thị trường số là một hệ sinh thái không có giới hạn, mỗi cá nhân đều có thể khởi nghiệp trên không gian mạng. Cạnh tranh của hệ sinh thái số cũng mang tính bất đối xứng, đối thủ cạnh tranh không tương đồng, biên giới giữa các ngành và lĩnh vực kinh doanh không còn rõ ràng, bởi tất cả DN đều có thể sử dụng mô hình kinh doanh khác nhau trên cơ sở dựa vào khả năng thu thập và phân tích Big Data khách hàng. Cần phải thay đổi chiến lược phát triển theo hướng khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ở mọi lúc mọi nơi. Đổi mới, sáng tạo không ngừng để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mới có chất lượng cao, có giá trị trải nghiệm cao.
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ lãnh đạo DN có nhận thức đúng, tức là chuyển đổi số không đơn giản chỉ là chuyển đổi một cách cơ học ứng dụng một số phần cứng, phần mềm, mà đó là thay đổi tư duy, chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang áp dụng các mô hình kinh doanh mới phù hợp với bối cảnh kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số cần có lộ trình cụ thể, chuyển đổi có trọng tâm. Chiến lược về thị trường, sản phẩm và dịch vụ phải làm rõ được mình phục vụ ai, phục vụ thế nào, trên cơ sở đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị mới.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, DN vừa và nhỏ vẫn có thể chuyển đổi số thành công để hướng tới khách hàng số, nếu có những bước đi phù hợp với nguồn lực, trên cơ sở chuyển đổi từng phần, từ đơn giản đến số hóa toàn bộ DN. Chẳng hạn, ban đầu DN trang bị một số thiết bị như laptop, tablet cho nhân viên, sử dụng các phần mềm miễn phí để ứng dụng làm việc online, họp trực tuyến, điều hành từ xa, tiếp đến từng bước nâng cấp và sử dụng các giải pháp phần mềm chuyên nghiệp có trả phí. Khi có đủ điều kiện về nguồn lực thì tiến hành số hóa toàn bộ DN trên cơ sở lựa chọn đối tác công nghệ có đủ năng lực, uy tín cung cấp các giải pháp chuyển đổi số phù hợp, đồng thời DN cũng cần xây dựng đội ngũ công nghệ thông tin (IT) có đủ khả năng vận hành và làm chủ được công nghệ số.
Theo DoanhnhanSG